Bảo vệ và chăm sóc vườn cây ăn trái mùa Tết (Lượt xem: 1794)
>> TIN TỨC
>> Nông nghiệp - Nông thôn
>> Khuyến Nông - Khuyến Ngư
Nhiều nhà vườn đang tất bật vào vụ trái cây Tết. Bên cạnh những cây cho trái chính vụ, nhiều loại cây được xử lý nghịch vụ cho thu hoạch trong Tết... bán được giá cao, giúp nhà vườn tăng thu nhập. Để làm được điều này, nhà vườn cần chăm sóc và bảo vệ tốt vườn cây, nhất là trong mùa lũ.

Nhà vườn chăm sóc Bưởi chuẩn bị cho mùa tết.
Năm nay mực nước lũ cao, những vườn cây ăn trái ở vùng đất thấp bị ngập úng, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn. Khi vườn cây bị ngập làm cho những lỗ nhỏ trong đất chứa đầy nước, kém thoáng khí, thiếu oxy cung cấp cho rễ cây hô hấp, đất bão hòa và rễ dễ bị hủy hoại. Ngoài ra trong quá trình bị ngập nước, rễ cây còn sản sinh ra Etylen làm kích thích ra rễ mới, nhưng với hàm lượng lớn thì sẽ gây ngộ độc cho cây, làm cho lá bị vàng, rụng nhiều. Tùy theo giống cây, tuổi cây và khả năng chống chịu ngập của cây, nếu bị ngập nước nhẹ thì cây vẫn sống, nhưng phát triển chậm lại, cây bị suy kiệt, cằn cỗi, chất lượng và hiệu quả của hoa và trái kém. Còn bị ngập nặng, độ ẩm trong đất cao vượt quá nhu cầu của cây, rễ sẽ bị nghẹt, kém phát triển, thậm chí bị thối và chết, không có khả năng phục hồi.
Nhà vườn xử lý cam sành cho trái thu hoạch đúng dịp tết.
Trong 36.000 ha đất trồng cây ăn trái của Sóc Trăng, có hơn 8.000 ha trồng cây có múi, là loại cây chịu ngập rất kém. Một số vườn cây có múi ở huyện Mỹ Tú đang giai đoạn xử lý ra hoa đợt trái bán Tết bị nước ngập lâu ngày, ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sinh trưởng và năng suất của cây. Để vườn cây không bị ngập nước, điều cần làm trước tiên là phải có hệ thống đê bao, bờ vùng vững chắc, cần nạo vét kênh rạch, sửa chữa cống đập, để khi cần dễ dàng tiêu thoát nước. Trong từng khu vườn cần đào rãnh phụ trên liếp và nạo vét mương vườn thông thoáng để thoát nước nhanh khi có mưa to, đảm bảo mực nước trong mương vườn luôn thấp hơn mặt liếp 0,6 m. Có thể để cỏ trong vườn để khi mưa nhiều đất không bị xói mòn, đóng váng. Chuẩn bị máy bơm sẵn sàng chống ngập cho vườn cây khi bị ngập sâu. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Nhu, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách khuyến cáo: Nếu mưa lũ kéo dài, vườn cây bị ngập úng, nên nhanh chóng bơm tháo hết nước trong vườn ra ngoài. Hạn chế đi lại nhiều trong vườn để tránh làm cây bị lay gốc, làm dẻ đất. Nhà vườn có thể phun thuốc gốc đồng để phòng tránh các bệnh trên chồi non, phun phân bón lá có chứa N, P, K và thuốc đặc trị các loại bệnh gây hại cho đất và rễ. Bón thêm vôi 500kg/ha để giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, hóa giải các độc tố trong đất, cung cấp canxi để cây sinh trưởng khỏe hơn.
Thời điểm này, vườn bưởi da xanh của lão nông Đặng Văn Nám ở xã Kế Thành đã xử lý xong đợt trái bán Tết. Theo ông, bưởi da xanh năm nay chắc sẽ có giá cao hơn năm trước, vì hiện tại thương lái vào tận vườn mua với giá 38 – 40 ngàn đồng/kg. Theo kinh nghiệm của ông, sau khi bưởi đậu trái, để có nhiều trái loại 1, cần cung cấp dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh cho cây: “Trước khi cho bưởi ra hoa thì tôi xuống phân. Sau khi hoa đậu trái lớn bằng ngón chân cái thì xuống phân thêm lần nữa, chủ yếu là phân NPK 20-20-15, đây là loại phân có đủ thành phần các chất đạm, lân, kali. Ngoài ra, tôi còn bổ sung thêm phân NPK 16-16-8, còn sâu bệnh thì chủ yếu là ngừa nhện đỏ và bọ trĩ”.
Bưởi giai đoạn cần phải xử lý phân bón thích hợp để cho năng suất cao
Các nhà khoa học khuyến cáo, cây ăn trái có 3 thời kỳ cần bón phân, đó là thời kỳ sau thu hoạch, chuẩn bị ra hoa và thời kỳ phát triển trái. Nếu không hiểu rõ bản chất của từng thời kỳ thì khó mà bón đúng, bón đủ phân cho vườn cây. Đối với thời kỳ phát triển trái, có thể chia làm 3 giai đoạn nhỏ:
+ Giai đoạn sau đậu trái: Thường khoảng 1 tháng đầu sau đậu trái, lúc này trái lớn rất chậm nên không cần nhiều dinh dưỡng, tuy nhiên cũng không thể thiếu vì dễ gây rụng trái. Nếu có điều kiện nên sử dụng phân bón lá kết hợp với phân bón gốc có tỷ lệ NPK là 1:1:1.
+ Giai đoạn trái phát triển nhanh cần nhiều dinh dưỡng. Với những cây có trái ra tận đầu cùng của cành như nhãn, chôm chôm, xoài thì nên sử dụng tỉ lệ NPK là 1:1:1. Với những cây có quả nơi nách lá, cành, thân như cây có múi (bưởi, cam, quýt), mít, sầu riêng, dâu… thì hạn chế cây sinh đọt và lá mới nên cần tăng tỉ lệ K lên NPK là 2:2:3. Với những cây có giai đoạn sinh trưởng này ngắn (như nhãn) có thể chỉ bón 1 lần, nhưng những cây có thời gian giai đoạn này dài như cây có múi thì cần chia làm 2 - 3 lần bón. Thời kỳ trái trưởng thành, bước vào giai đoạn chín, cần bón đủ K thì trái mới đẹp, có chất lượng. Tỉ lệ NPK lúc này thường là 1:1:2. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Nhu, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách, cho biết: “Khi cây bắt đầu cho trái là giai đoạn cần sự tác động kỹ thuật để trái cây đạt chất lượng và năng suất cao. Do đó, nhà vườn cần sử dụng phân bón đầy đủ và cân đối, nên sử dụng phân bón của những công ty có uy tín để tránh bón nhằm phân giả, ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất của cây”.
Cam sành cho chất lượng tốt nhờ xử lý phân bón hợp lý ở từng giai đoạn
Tùy loại cây, nhà vườn cần kết hợp nhiều biện pháp phòng trừ sâu bệnh, để không ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và mẫu mã trái. Để trái cây thu hoạch vào đúng dịp Tết, bà con có thể tác động các giải pháp kỹ thuật theo 2 nguyên lý: nếu trái chín sớm muốn kéo dài thời gian chín thì phải tưới cho vườn đủ ẩm và bón phân hợp lý, phun thêm phân bón lá sẽ giúp kéo dài thời gian chín của trái. Còn nếu muốn rút ngắn thời gian chín để kịp bán, có thể rút nước trong vườn, giảm nước tưới và tăng cường bón phân Kali giúp cho trái sáng đẹp hơn./.
Ngọc Khuê
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
- Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Người có hơn 40 năm sưu tầm tư liệu về Bác Hồ
Sóc Trăng sẽ trình diễn 5 tiết mục tại Hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông”
Phiên chợ kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn tại thị trấn Đại Ngãi
Đến nay, Sóc Trăng có 42 đơn vị hành chính cấp xã được công nhận là xã An toàn khu
Phát triển các mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả ở Thạnh Trị
Công văn số1393: Về việc Khẩn trương triển khai các công tác nhằm chủ động ứng phó với Cơn bão số 1
Thông báo Nội dung Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, Nhiệm kỳ 2021 - 2026
Chào mừng Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2022 - 2027
Thông báo: Khám sàng lọc miễn phí chương trình "Trái tim cho em" tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Thông báo: Mời thi tuyển Phương án thiết kế kiến trúc Dự án Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Sóc Trăng
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.